Trở lại lần thứ hai với quy mô “lớn gấp bội” so với lần ra mắt đầu tiên năm ngoái, Lễ hội sông nước TP.HCM 2024 (từ ngày 31.5 – 9.6) không chỉ đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố mà còn nhận trọng trách thổi hồn cho sông Sài Gòn, giữ gìn và quảng bá nếp sống, văn hóa, di sản quý báu của dòng sông.
Chạy nước rút cho lễ hội lớn chưa từng có
“Mọi công đoạn chuẩn bị đang gấp rút được triển khai cho ngày khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ hai. Tất cả phòng, ban đều đang tập trung mọi nguồn lực, thời gian. Khối lượng công việc khổng lồ. Cảm giác không có lúc nào để thở luôn”, một cán bộ thuộc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ với Thanh Niên vào cuối tuần trước. Đây đã là năm thứ hai TP.HCM tổ chức Lễ hội sông nước, song công việc vẫn bộn bề và “căng như dây đàn” do quy mô của chương trình năm nay lớn hơn năm trước rất nhiều.
Nếu như năm ngoái, lễ hội chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày thì năm nay kéo dài tới 10 ngày. Không chỉ tập trung ở khu vực Bến Nhà Rồng hay kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chuỗi hoạt động năm nay sẽ được phân bổ tại rất nhiều địa điểm như Khu Nhà Rồng Khánh Hội – Cảng Sài Gòn, Công viên Bến Bạch Đằng, Công viên bờ sông Sài Gòn, khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Ngôi Sao Việt (Q.7), Bến Bình Đông (Q.8), Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, cùng các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP.Thủ Đức cũng như khắp quận, huyện của TP.
Lễ hội sông nước TP.HCM 2023 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách
Theo đại diện Sở Du lịch, điểm nhấn của sự kiện năm nay là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” sẽ diễn ra lúc 20 – 21 giờ 30 ngày 31.5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội – Cảng Sài Gòn. Nếu như ở mùa 1, “Dòng sông kể chuyện” là bức tranh văn hóa toàn cảnh về Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM qua hàng trăm năm lịch sử, là những hoài niệm về ký ức bên dòng sông và xuôi dòng lịch sử thì “Chuyến tàu huyền thoại” mùa 2 sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại diễn ra ngay trên dòng chảy này qua các chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng, Vươn xa.
Đó là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt từng đến và đi trên sông Sài Gòn, là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc. Đó còn là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, là chuyến tàu ra khơi mang theo vận mệnh cả dân tộc, những trận đánh vang dội trên sông, những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách, những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp 5 châu…
Chủ đề chính của lễ hội năm nay là “Chuyến tàu huyền thoại”, để truyền tải được thông điệp sâu sắc từ chủ đề này, từ những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, để các thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu về lịch sử và tự hào về truyền thống của cha ông. Để lịch sử ấy vượt ra những giới hạn địa lý, đến với ngày càng nhiều công chúng quốc tế, Lễ hội sông nước TP.HCM đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc và đầu tư có quy mô nhằm truyền tải thông điệp một cách hấp dẫn, thu hút, hướng đến tôn vinh những giá trị cao đẹp, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, khẳng định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của TP, đem đến các giá trị cho du lịch – kinh tế và văn hóa – xã hội”. (Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM)
Kéo du khách khắp nơi về sông Sài Gòn
Theo thống kê, đến nay đã có hơn 100 doanh nghiệp công bố và áp dụng các chính sách ưu đãi về giá, về chương trình khuyến mãi cho các dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống, tham quan, tour tuyến cho người dân và du khách tại Lễ hội sông nước TP.HCM 2024. Đặc biệt, đã có 15 thương hiệu nổi tiếng cung cấp voucher điện tử giảm giá đến 50% không giới hạn số lượng cho các hãng hàng không, để áp dụng cho khách đi máy bay đến TP.HCM trong thời gian sự kiện diễn ra.
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc marketing Công ty CP truyền thông Du Lịch Việt, cho biết 100% du khách là thành viên các đoàn khách liên tỉnh có lịch trình lưu trú tại TP.HCM trong thời gian diễn ra lễ hội đều yêu cầu thiết kế chương trình du lịch có trải nghiệm một phần các sự kiện của lễ hội. Hiện doanh nghiệp này đang đưa vào chương trình du lịch các hoạt động như: Tái hiện chợ nổi miền Tây và lễ hội trái cây trên bến dưới thuyền cùng các hoạt động, hay tour nội đô khác cho các đoàn khách.
Đặc biệt ngày khai mạc với nhạc kịch hoành tráng đang thu hút sự quan tâm lớn của người dân TP. Cổng thông tin đăng ký vé tham dự sự kiện khai mạc lễ hội mở ra ngày 22.5 đã nhanh chóng được đăng ký đủ số lượng vé.
Ông Phạm Anh Vũ nhận xét du khách luôn có xu hướng trải nghiệm các điểm du lịch mới, tour mới. Nếu như trước đây city tour hiểu đơn giản chỉ gồm cụm di tích trung tâm như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… bên cạnh Củ Chi, Cần Giờ… và gần như chỉ di chuyển bằng xe du lịch đường bộ, thì hiện nay sản phẩm du lịch tại TP rất đa dạng cả về các tuyến tour, sản phẩm tour, nhất là các sản phẩm sông nước.
“Lễ hội sông nước lần 2 với sự đầu tư và chuẩn bị quy mô như hiện nay, chắc chắn sẽ thu hút lượng khách gấp nhiều lần năm trước. Các sản phẩm tour sông nước và tour nội đô của TP đang dần chứng minh sự hấp dẫn ngày càng tăng đối với du khách trong và ngoài nước. Doanh nghiệp lữ hành luôn mong muốn từ thành công của sự kiện, các tour tuyến được xây dựng, quảng bá tại đây sẽ làm tiền đề để các doanh nghiệp có được bộ sản phẩm khai thác mọi thời gian trong năm. Điều này sẽ tương hỗ và có tác động qua lại để các nhà cung ứng dịch vụ đầu vào như nhà xe, nhà hàng, khách sạn ổn định chất lượng dịch vụ quanh năm, không phải theo mùa cao điểm như hiện nay”, ông Vũ kỳ vọng.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing TST Tourist, cũng đánh giá Lễ hội sông nước TP.HCM được tổ chức liền ngay sau Ngày hội bánh mì, đúng mùa du lịch thấp điểm sẽ là cơ hội để ngành du lịch TP đa dạng hóa sản phẩm, hút khách quanh năm. Theo ông Mẫn, mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành TP lễ hội đang có những định hướng và bước đi rất chính xác. Sông nước là lợi thế, là tài nguyên, di sản của TP.HCM và cũng là chất liệu đẹp để xây dựng điểm nhấn cho du lịch TP. Có điểm nhấn rồi, công tác xúc tiến, quảng bá là yếu tố hết sức quan trọng. Du lịch TP.HCM từ trước đến nay phát triển chủ yếu nhờ khách vãng lai, khách tự túc từ rất nhiều quốc gia. Vì thế, TP cũng cần xác định phải tập trung đẩy thật mạnh quảng bá để thu hút đối tượng khách này.
Đơn cử, có thể tổ chức các đoàn presstrip, farmtrip mời các phóng viên quốc tế, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các cơ quan lãnh sự, tham tán, tùy viên văn hóa… từ nhiều thị trường đến với Lễ hội sông nước. Chúng ta có thể học tập cách Thái Lan đưa Lễ hội Songkran từ dịp tết cổ truyền trở thành “cơn lốc hút khách”. Nghĩa là phải truyền thông để cả thế giới biết tại TP.HCM, vào mỗi dịp tháng 5 – 6 sẽ có Lễ hội sông nước cực “đỉnh”, cực lớn, cực chuyên nghiệp, để du khách lên kế hoạch tham dự, trải nghiệm.
“Dưới góc độ cá nhân những người làm du lịch, chúng tôi thật sự rất hạnh phúc khi dòng sông đã được sống lại đúng nghĩa. Yếu tố dòng sông ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, ngày càng được tập trung chú ý để khai thác các giá trị kinh tế nhiều hơn. Khi đã được tổ chức những hoạt động có yếu tố tập trung thì mỗi cá nhân sẽ cùng có ý thức bảo vệ dòng sông, cùng đóng góp để đưa dòng sông vào sâu hơn tiến trình phát triển kinh tế, lịch sử của TP.HCM”, ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.
Cổng đăng ký trực tuyến dành cho người dân, du khách tham dự Chương trình nghệ thuật khai mạc đã chính thức mở tại website visithcmc.vn từ ngày 22.5. Vé điện tử kèm mã QR sẽ được gửi trực tiếp qua email sau khi mọi người cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân. Sự kiện sẽ đón tiếp đại biểu, người dân và du khách vào tham dự chương trình tại cổng số 157 Nguyễn Tất Thành, P.18, Q.4.